Lào Cai phấn đấu đón 1,7 triệu lượt khách tham quan loại hình du lịch cộng đồng vào năm 2030
Lượt xem: 55
CTTĐT - Đây là một trong những mục tiêu tại Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030” vừa được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 2247/QĐ-UBND ngày 05/9/2024. Đề án sẽ góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, tạo thêm sản phẩm du lịch mới, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ lợi ích công cộng, thu hút người dân và du khách.

Đón 1,7 triệu lượt khách tham quan loại hình du lịch cộng đồng

Theo Đề án, đến năm 2030 Lào Cai phấn đấu đón 1,7 triệu lượt khách tham quan loại hình du lịch cộng đồng; thu từ du lịch cộng đồng chiếm 10% trong tổng số thu từ khách du lịch của tỉnh.

anh tin bai

Du lịch cộng đồng góp phần tạo việc làm cho cộng đồng dân cư địa phương.

Có 06 mô hình du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn ASEAN; 11 mô hình du lịch cộng đồng đáp ứng điều kiện điểm du lịch cấp tỉnh hoặc TCVN 13259:2020 Du lịch cộng đồng - Yêu cầu về chất lượng dịch vụ; 07 thôn thực hiện mô hình du lịch cộng đồng theo Đề án được công nhận thôn nông thôn mới, thôn kiểu mẫu.

Nâng cao chất lượng dịch vụ Homestay hiện có, thúc đẩy phát triển mới khoảng 60 cơ sở Homestay, nâng tổng số Homestay toàn tỉnh lên 527 cơ sở; tạo việc làm cho 1.500 lao động. Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, ẩm thực, nông nghiệp.

Để đạt mục tiêu đề ra, Lào Cai sẽ triển khai 05 nhóm giải pháp chính về: quản lý nhà nước; cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển; quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng; đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường; nguồn lực tài chính.

Nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện Đề án là hơn 190,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện, các chương trình mục tiêu quốc gia, vống ODA, vốn tín dụng, vốn xã hội hóa.

Đầu tư xây dựng 06 mô hình du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN

06 mô hình du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN dự kiến đầu tư xây dựng từ nay đến năm 2030 gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc Giáy, Dao, Tày, Mông, Hà Nhì gồm:

(1) Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van, thị xã Sa Pa gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Giáy.

(2) Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa gắn với văn hóa dân tộc Dao.

(3) Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Bản Dền - La Ve, xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa) gắn với văn hóa dân tộc Tày.

(4) Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Hầu Chư Ngài, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa gắn với văn hóa dân tộc Mông.

(5) Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát gắn với văn hóa dân tộc Hà Nhì.

(6) Mô hình Du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên gắn với văn hóa dân tộc Tày.

anh tin bai

Khảo sát mô hình du lịch cộng đồng tại thị xã Sa Pa.

Theo đó, 01 mô hình du lịch sẽ được lập Quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch dân cư nông thôn; tư vấn lập dự án; đầu tư xây dựng cổng chào, trạm đón tiếp khách mô phỏng kiến trúc văn hóa dân tộc, một số hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch khác; đầu tư xây dựng không gian trải nghiệm văn hóa dân tộc gồm Nhà du lịch cộng đồng và các công trình phụ trợ; xây dựng bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng; lắp đặt hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn du lịch, nội quy du lịch; hỗ trợ trang thiết bị, tư vấn, hướng dẫn nâng cao chất lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch, thiết kế, sản xuất sản phẩm quà tặng; quy hoạch trồng các loại hoa, cây cảnh; hỗ trợ tái tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp; hỗ trợ nâng cao năng lực của Ban quản lý điểm đến; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại cộng đồng; tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao vai trò và trách nhiệm trong việc giữ gìn hệ sinh thái nông thôn, bảo vệ kiến trúc truyền thống của các làng bản và hạn chế sự phát triển nhà đô thị…

Đầu tư xây dựng 11 mô hình du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn điểm du lịch cấp tỉnh hoặc TCVN 13259:2020

Đến năm 2030, theo Đề án sẽ đầu tư xây dựng 11 mô hình du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn điểm du lịch cấp tỉnh hoặc TCVN 13259:2020 tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong đó thị xã Sa Pa 03 mô hình, huyện Bắc Hà 02 mô hình, huyện Mường Khương 01 mô hình, huyện Si Ma Cai 01 mô hình, huyện Bát Xát 01 mô hình, huyện Văn Bàn 01 mô hình, huyện Bảo Thắng 01 mô hình, thành phố Lào Cai 01 mô hình:

(1) Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Can Hồ B, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa gắn với dân tộc Dao.

(2) Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Lếch Dao, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa gắn với dân tộc Dao

(3) Mô hình Du lịch cộng đồng tổ dân phố số 2, thôn Lý Lao Chải cũ, phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa.

(4) Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Máo Chóa Sủ, xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương, gắn với dân tộc Mông.

(5) Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Cán Chư Sử, xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai gắn với dân tộc Mông.

(6) Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Đội 3, xã Bản Liền, huyện Bắc Hà gắn với dân tộc Tày.

(7) Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Bản Phố 2, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà gắn với dân tộc Mông.

(8) Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Nhìu Cù San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát gắn với dân tộc Mông.

(9) Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Đồng Qua, xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn gắn với dân tộc Tày.

(10) Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Nậm Rịa, xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai gắn với dân tộc Xá Phó.

(11) Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Đầu Nhuần, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng gắn với cảnh quan thiên nhiên thác Đầu Nhuần.

Hạng mục chính đầu tư cho 01 mô hình gồm: Tư vấn lập dự án; đầu tư xây dựng cổng chào, trạm đón tiếp khách mô phỏng kiến trúc văn hóa dân tộc, một số hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch khác; đầu tư xây dựng không gian trải nghiệm văn hóa dân tộc (Nhà du lịch cộng đồng và công trình phụ trợ); xây dựng bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng; lắp đặt hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn du lịch, nội quy du lịch; hỗ trợ trang thiết bị, tư vấn, hướng dẫn nâng cao chất lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch từ cộng đồng; Quy hoạch trồng các loại hoa, cây cảnh; hỗ trợ thiết kế, sản xuất sản phẩm quà tặng phục vụ du lịch; hỗ trợ tái tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại cộng đồng.

Xúc tiến quảng bá du lịch cộng đồng

Nhiều hình thức sẽ được triển khai thực hiện để xúc tiến quảng bá du lịch cộng đồng Lào Cai nhằm đạt được các mục tiêu đề ra; trong đó tập trung vào:

Xây dựng, in ấn, tờ rơi, tập gấp, bản đồ du lịch và các ấn phẩm quảng bá du lịch. Tại mỗi điểm du lịch cộng đồng xây dựng trailer quảng bá du lịch.

Đầu tư xây dựng hệ thống hướng dẫn thông tin du lịch (bảng thông tin, biển báo, ..) tại các khu, điểm du lịch.

Xây dựng chuyên mục thông tin điện tử xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch cộng đồng tỉnh Lào Cai. Quảng bá thường xuyên trên Cổng thông tin du lịch tỉnh Lào Cai (dulichlaocai.vn), Cổng du lịch thông minh tỉnh Lào Cai (laocaitourism.vn), Trang thông tin du lịch Tây Bắc (dulichtaybac.vn), Trang thông tin du lịch dành cho thị trường nước ngoài (sapa-tourism.com) và fanpage dulichlaocai; trên mạng xã hội Facebook, Youtube, Twiter, Instagram, Tiktok.

anh tin bai

Quảng bá du lịch cộng đồng trên Cổng du lịch thông minh tỉnh Lào Cai (laocaitourism.vn).

Phối hợp với các đơn vị truyền hình huyện, tỉnh, trung ương để xây dựng các chương trình quảng bá du lịch cộng đồng trên các kênh thông tin truyền thông, truyền hình.

Hàng năm thực hiện xúc tiến, quảng bá trực tiếp các điểm du lịch cộng đồng thông qua tham gia các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế, các liên hoan làng du lịch cộng đồng.

Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến, quảng bá các điểm du lịch cộng đồng, hỗ trợ người dân cách dùng điện thoại thông minh quảng bá trên các trang mạng xã hội.

Hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng kết nối, hợp tác với các đơn vị lữ hành để giới thiệu, quảng bá trên thị trường cho du lịch cộng đồng thông qua tổ chức các đoàn Famtrip, Mediatrip.

Tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, chuyến khảo cứu, diễn đàn về phát triển du lịch cộng đồng.

Thông qua việc triển khai thực hiện Đề án về du lịch cộng đồng sẽ góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng dân cư địa phương; đến năm 2030 tạo việc làm cho 500 lao động trực tiếp và 1.000 lao động gián tiếp phục vụ trong du lịch cộng đồng. Đồng thời nâng cao nhận thức về việc bảo vệ môi trường, cảnh quan và lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống; tạo cơ hội trao đổi, giao lưu văn hóa giữa khách du lịch với cộng đồng người dân địa phương. Làm tăng giá trị hàng hóa từ các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, dịch vụ du lịch địa phương; giúp chuyển dịch cơ cấu lao động từ việc sản xuất nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, thương mại; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn; xây dựng thành công nông thôn mới.

- Đến năm 2023, Lào Cai có 54 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh; khoảng 60 lễ hội truyền thống được tổ chức thường niên; khoảng 45 chợ phiên vùng cao; 20 nghề truyền thống.

- Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 4.000 lao động tham gia hoạt động du lịch cộng đồng (chiếm 14,29% lao động lĩnh vực du lịch); 13 điểm du lịch cộng đồng được công nhận; 03 nhóm cơ sở lưu trú tại gia được công nhận đạt chuẩn homestay ASEAN.

- Năm 2023, du lịch cộng đồng đón khoảng 700.000 lượt khách với doanh thu khoảng 05% tổng thu từ du lịch của tỉnh.

Thanh Huyền
  • PS ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LÀO CAI 2024
    (25/06/2024)
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (15/12/2022)
1 2 3 4 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1