Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Lượt xem: 1942
CTTĐT - Thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; Tỉnh ủy Lào Cai vừa ban hành Chương trình hành động số 329-CTr/TU ngày 12/01/2024 triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW trên địa bàn tỉnh

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 phát triển đội ngũ doanh nhân tỉnh Lào Cai có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; một số doanh nghiệp làm chủ và có năng lực cạnh tranh trong một số chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, logistics, nông nghiệp, du lịch. Hàng năm hỗ trợ đào tạo cho khoảng 400 doanh nhân về quản trị doanh nghiệp. Triển khai có hiệu quả các mục tiêu Nghị quyết 33-NQ/TU ngày 11/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát triển doanh nghiệp Lào Cai. Tầm nhìn đến năm 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân tỉnh Lào Cai ngày càng lớn mạnh có năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong nước.

anh tin bai

Mục tiêu đến năm 2030, một số doanh nghiệp làm chủ và có năng lực cạnh tranh trong một số chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, logistics, nông nghiệp, du lịch.

Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển của tỉnh Lào Cai

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, Nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai.

Khuyến khích đội ngũ doanh nhân tỉnh Lào Cai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nêu cao trách nhiệm xã hội, tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; chú trọng tôn vinh, biểu dương các tấm gương doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu.

Quán triệt Nghị quyết 41-NQ/TW gắn với Nghị quyết 33-NQ/TU ngày 11/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát triển doanh nghiệp Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đến các cấp ủy và toàn Đảng bộ; chỉ đạo tốt hoạt động thông tin, tuyên truyền của các cơ quan báo chí thể hiện đúng quan điểm chỉ đạo, chủ trương, kết quả thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW và Nghị quyết 33-NQ/TU của tỉnh Lào Cai.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến

Cụ thể hóa các chính sách về phát triển kinh tế để mở rộng không gian phát triển cho doanh nhân, doanh nghiệp; phát triển đồng bộ các loại thị trường, nhất là thị trường vốn, lao động, quyền sử dụng đất, khoa học và công nghệ. Triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để tạo điều kiện cho doanh nhân, doanh nghiệp có bước đột phá trong một số lĩnh vực mới, có lợi thế, tiềm năng theo chủ trương, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tập trung giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở hoạt động của doanh nghiệp theo thẩm quyền nhất là trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, khoáng sản, xuất nhập khẩu, giải ngân vốn đầu tư công, cấp các giấy phép kinh doanh có điều kiện. Công bố, công khai, minh bạch các thông tin kinh tế - xã hội, cơ chế, chính sách, quy hoạch... để doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, lựa chọn cơ hội đầu tư, mở rộng quy mô hoạt động.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch trong quan hệ giữa các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức với doanh nhân, doanh nghiệp. Tăng cường kỷ luật công vụ, kỷ cương hành chính liên quan đến doanh nghiệp; xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, cản trở, tiêu cực đối với doanh nhân, doanh nghiệp.

Nâng cao công tác tiếp xúc, đối thoại, tham vấn của các cơ quan dân cử, cơ quan quản lý nhà nước với đội ngũ doanh nhân trong quá trình xây dựng, hoạch định, tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nhân, doanh nghiệp.

Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050

Nghiên cứu ban hành một số chính sách thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trọng một số chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, logistics, nông nghiệp, du lịch; tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh. Khuyến khích hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Nghiên cứu cơ chế, chính sách tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ trong quá trình khởi nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực mới, trong thế hệ trẻ; ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ, doanh nhân trẻ, doanh nhân dân tộc thiểu số, doanh nhân hoạt động ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn. Quan tâm phát triển kinh tế hợp tác với vai trò nòng cốt của hợp tác xã.

Tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân có đại diện tham gia trong các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức hợp pháp khác có liên quan. Có cơ chế thu hút các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh tại Lào Cai.

Xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh Lào Cai; khuyến khích doanh nhân ở tất cả các thành phần kinh tế tham gia, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các vấn đề mới như chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, kinh tế số, khởi nghiệp, kiến thức pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn, xu hướng kinh doanh mới…

Xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh

Vận động, tuy truyền đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng, quy định, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh, gắn với phát triển bền vững doanh nghiệp và phát huy bản sắc dân tộc. Lấy đạo đức, văn hoá kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp đối với xã hội, nhất là trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ bảo đảm chất lượng; giữ gìn và phát triển uy tín, thương hiệu doanh nghiệp; bảo đảm lợi ích kinh tế song hành với chú trọng bảo vệ môi trường; ngăn chặn, kiên quyết xử lý doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm đạo đức, văn hoá kinh doanh, vi phạm pháp luật. Đồng thời, khuyến khích doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm đối với xã hội, tham gia tích cực các hoạt động vì cuộc sống cộng đồng.

Tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng

Xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ, thực chất giữa doanh nghiệp và người lao động, đẩy mạnh ký kết thoả ước lao động tập thể, giải quyết hài hoà lợi ích doanh nghiệp và người lao động; định kỳ tổ chức đối thoại, hội nghị người lao động trong doanh nghiệp. Quan tâm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, phát huy vai trò cầu nối giữa người lao động với doanh nhân, doanh nghiệp.

Khai thác thế mạnh, thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa doanh nhân, doanh nghiệp với nông dân theo hướng xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa doanh nhân, doanh nghiệp với đội ngũ trí thức, nhất là các nhà khoa học, các trung tâm, viện nghiên cứu, các trường đại học… thúc đẩy doanh nghiệp tiếp cận khoa học công nghệ thông qua đội ngũ trí thức, gắn nghiên cứu với thử nghiệm, tạo đột phá trong sản xuất, kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.

Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tổ chức của doanh nhân, doanh nghiệp và giữa doanh nhân, doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn; giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; chú trọng liên kết, hợp tác theo ngành, cụm sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.

Phát huy vai trò của các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp

Tăng cường liên kết, hợp tác giữa tỉnh và Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp; xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các hội ngành nghề, câu lạc bộ doanh nhân trên địa bàn tỉnh; phát huy hơn nữa vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp, làm cầu nối giữa doanh nghiệp, doanh nhân với các cơ quan quản lý Nhà nước.

Kiện toàn Hội doanh nhân trẻ tỉnh bảo đảm hoạt động hiệu quả và thực chất; nghiên cứu thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp. Kết nối Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức kinh tế, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; thúc đẩy sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp. Thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp, các hiệp hội và tổ chức doanh nghiệp khác tập hợp ý kiến, nguyện vọng, sáng kiến của doanh nhân từ đó tham mưu cho tỉnh trong xây dựng, thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp, doanh nhân, lợi ích của người lao động và lợi ích cộng đồng.

Khuyến khích đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tham gia xây dựng, phản biện chính sách; kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, bẩt cập trong quá trình hoạt động với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân

Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về phát triển đảng viên trong doanh nghiệp; nhất là Đề án số 24-ĐA/TU ngày 21/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Đảng đối với việc xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa cấp ủy với tập thể lãnh đạo doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện chủ trương kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào Đảng; kết nạp đảng viên các doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân. Thành lập đảng bộ cơ sở tại khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở nơi có đủ điều kiện.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, nhất là tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên phù hợp với loại hình, địa bàn, tính chất, quy mô hoạt động của doanh nghiệp. Đổi mới phương thức quản lý nhà nước theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm; chú trọng quan hệ Nhà nước - Doanh nghiệp - Người lao động…/.

  • PS ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LÀO CAI 2024
    (25/06/2024)
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (15/12/2022)
1 2 3 4 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1