Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính
phủ dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Tham dự hội nghị tại
điểm cầu tỉnh Lào Cai có lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; lãnh đạo
cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh.

Các
đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai
Năm 2021 dịch
Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến lao động, việc làm, an sinh xã
hội. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều biện pháp để bảo
đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn, phục hồi thị
trường lao động, giải quyết việc làm. Đồng thời chủ động phối hợp với các bộ,
ngành liên quan tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chính sách hỗ trợ,
trong đó có chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn
trong đại dịch như Nghị quyết số 68, Nghị quyết số 116 và Nghị quyết số 126.
Đây là các quyết sách quan trọng, kịp thời bổ sung và gia tăng năng lực hoạt
động cho hệ thống an sinh xã hội ứng phó hiệu quả hơn trong đại dịch.
Theo báo cáo, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP trên toàn quốc
là trên 35,9 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ trên 31,28 triệu lượt đối tượng. Triển khai
Nghị quyết số 116/NQ-CP, đến nay đã giải quyết hỗ trợ cho trên 12,8 triệu lao
động với số tiền trên 30,5 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, Chính phủ còn xuất cấp gạo
cứu đói cho người dân, huy động nguồn lực xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân,
cùng hàng triệu túi an sinh để hỗ trợ người dân. Cùng với các gói hỗ trợ của
Trung ương, các địa phương đã bàn hành các chính sách hỗ trợ cho người dân và
doanh nghiệp thiết thực, kịp thời và ý nghĩa, góp phần ổn định đời sống, an
sinh xã hội, tạo được niềm tin sâu rộng trong Nhân dân. Bên cạnh đó, các giải
pháp, chính sách về lao động, việc làm, hỗ trợ phục hồi và phát triển thị
trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được toàn ngành LĐ,TB&XH
quan tâm. Do đó, thị trường lao động cuối năm 2021 có dấu hiệu phục hồi khi số
người có việc, thu nhập bình quân tháng tăng, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm
giảm so với quý III-2021.
Các chính sách ưu đãi
người có công với các mạng, bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng. Toàn ngành
đã triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; thực hiện
các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công
với cách mạng đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa
được đẩy mạnh, đời sống người có công và thân nhân người có công không ngừng
được cải thiện, nâng cao hơn. Công tác giảm nghèo tiếp tục được tập trung triển
khai thực hiện. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa
chiều giảm 0,25% so với cuối năm 2020; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,34%; tỷ lệ hộ
nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 4%.
Năm 2022 ngành Lao
động - Thương binh và Xã hội đã đề ra các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm như:
Ổn định và phát triển lại thị trường lao động; hỗ trợ giải quyết việc làm, thu
hút lao động quay trở lại làm việc sau nghỉ dịch Covid-19, cơ cấu lại lực lượng
lao động phù hợp với Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao nhân lực có kỹ
năng nghề, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở; thực hiện đồng bộ, hiệu
quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025…
Đối
với tỉnh Lào Cai, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến
tình hình lao động, việc làm, tuy nhiên nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa
bàn tỉnh, công tác giải quyết việc làm vẫn có nhiều chuyển biến tích cực. Năm
2021 giải quyết việc làm cho 12.200 người, đạt 90,4% Kế hoạch năm 2021 (tăng
1.150 người so cùng kỳ năm 2020). Công tác Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được đẩy
mạnh. Năm 2021, tuyển sinh, đào tạo được 10.500 người/Kế hoạch 10.500 người, đạt
100% Kế hoạch. Góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo chung lên 65,8%, trong
đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 27%. Số hộ nghèo còn lại
năm 2021 là 9.345 hộ, chiếm tỷ lệ 5,31% so với tổng số hộ trên địa bàn, giảm
4.977 hộ, tỉ lệ giảm nghèo đạt 2,89%, trong đó giảm tỷ lệ nghèo của các huyện
nghèo 4,3%. Số hộ cận nghèo trong năm giảm 2.188 hộ.
Tỉnh Lào Cai triển
khai có hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định
số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực
hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó
khăn do đại dịch Covid-19. Kết quả trong tổng số 12 nhóm đối tượng đã có 11/12
nhóm phát sinh hồ sơ (riêng nhóm 3 Hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người
lao động chưa phát sinh hồ sơ), tổng số 5.794 đối tượng, kinh phí: 16.257,1 triệu
đồng. Thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách
hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp: Thực hiện hỗ trợ cho 1.358 doanh nghiệp, 59.451
lao động đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với
kinh phí hỗ trợ: 104.790,4 triệu đồng.
Phát biểu tại hội
nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận, biểu dương những kết quả đã
đạt được của Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội trong thời gian qua. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Nhiệm vụ năm 2022 và các
năm tiếp theo là rất nặng nề, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cần tiếp
tục đổi mới, chủ động, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, quyết liệt hành động; phát huy
sự đoàn kết, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với thực thi
pháp luật, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị; phấn đấu đạt mức
cao nhất các mục tiêu phát triển về lao động, người có công và xã hội. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát
triển kinh tế.
Đối với vấn đề bảo vệ trẻ em, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, các
tỉnh, thành phố cần hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em đến cấp xã. Đối với cải
cách hành chính, chuyển đổi số, toàn ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cần
quyết tâm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, cần đi trước một bước nhằm xây dựng
các cơ sở dữ liệu chuyên ngành kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và
các cơ sở dữ liệu quốc gia khác…
Thảo Châu