Triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt I năm 2020 và tăng cường kiểm soát mua bán, vận chuyển động vật hoang dã
Văn bản nêu rõ, hiện nay, tình hình bệnh Dịch tả
lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh; nhưng vẫn còn 08 xã đã qua 30 ngày
không phát sinh dịch bệnh, chưa thực hiện công bố hết dịch, còn 03 xã của huyện
Bát Xát, Bảo Yên chưa qua 30 ngày; bệnh Lở mồm long móng vẫn còn rải rác tại một số thôn,
bản vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó bệnh viêm đường hô hấp cấp trên người do chủng
mới của vi rút do vi rút Corona gây ra (có nguồn gốc từ động vật hoang dã) đang
có diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.
Thời gian tới dịch bệnh trên động vật và trên
người tiếp tục có nguy cơ phát sinh gây thiệt hại kinh tế
của người chăn nuôi, kinh phí của nhà nước cũng như sức khỏe, tính mạng của người
dân.
Căn cứ Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy
định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan
chuyên môn triển khai thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt I năm
2020” từ ngày 07/02/2020 đến ngày 08/3/2020 và tăng cường kiểm soát,
xử lý mua bán, vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ động vật hoang dã, cụ
thể như sau:
I.
Nguyên tắc vệ sinh, tiêu độc, khử
trùng
-
Người thực hiện việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng phải sử dụng bảo hộ phù hợp.
- Hoá chất khử trùng ít độc hại đối với
người và vật nuôi, phù hợp với đối tượng sử dụng và nằm trong Danh mục thuốc
thú y được phép lưu hành tại Việt Nam; sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản
xuất và cơ quan chuyên môn.
- Làm sạch đối tượng tiêu độc khử
trùng bằng biện pháp cơ học trước khi tiến hành phun hoá chất.
-
Cơ sở, hộ chăn nuôi chủ động đầu tư kinh phí mua vôi bột,
hàng tuần rắc vôi bột khu vực chuồng nuôi và xung quanh; nhà nước hỗ trợ hóa
chất khử trùng tiêu độc cho khu vực công cộng, đường làng ngõ xóm, khu vực có
dịch bệnh xảy ra, ổ dịch cũ...
II. Nội dung vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và tần suất thực
hiện
1. Cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm
1.1. Đối với các cơ sở chăn nuôi tập
trung
- Phát quang cây cỏ
xung quanh chuồng nuôi, hàng ngày quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn,
khơi thông cống rãnh.
- Định kỳ thực hiện tổng
vệ sinh, tiêu độc, phun khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và
vùng phụ cận, mỗi tuần 1 lần.
- Bố trí hố sát trùng
có chứa vôi bột hoặc thuốc sát trùng tại đường vào khu vực chăn nuôi.
1.2. Đối với chăn nuôi
hộ gia đình
- Quét dọn sạch sẽ khu
vực chăn nuôi hàng ngày; thu gom phân rác, độn chuồng để đốt hoặc chôn.
- Định kỳ phun thuốc
sát trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần 1 lần.
- Chủ động mua vôi bột
rắc toàn bộ khu vực chăn nuôi và khu vực phụ cận tuần 1 lần.
1.3. Cơ sở ấp nở gia
cầm, thủy cầm
- Phát quang cây cỏ xung quanh và quét dọn sạch
sẽ toàn bộ khu vực lò ấp, đường ra vào cơ sở ấp, thu gom vỏ trứng sau khi đã ấp
nở để tiêu hủy.
- Bố trí hố sát trùng
có chứa vôi bột hoặc thuốc sát trùng tại lối vào khu vực ấp nở; phun tiêu độc
khử trùng hàng ngày toàn bộ diện tích cơ sở ấp trứng, đường ra vào cơ sở ấp
trứng.
2. Khu vực công cộng, đường làng ngõ xóm
Thường xuyên vệ sinh,
quét dọn, khơi thông cống rãnh và thu gom rác thải để xử lý; phun tiêu độc, khử
trùng mỗi tuần 1 lần.
3. Điểm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung
- Phát quang cây cỏ,
xung quanh cơ sở, nhà xưởng, khơi thông cống rãnh.
- Thường xuyên vệ sinh,
tiêu độc khử trùng nơi nhốt động vật chờ giết mổ, nơi giết mổ động vật; các
phương tiện vận chuyển vào, ra khu vực giết mổ.
4. Chợ buôn bán, khu
vực tập kết, thu gom gia súc, gia cầm sống và sản phẩm động vật
- Quét dọn và phun
thuốc khử trùng khu vực buôn bán động vật, sản phẩm động vật, khu vực giết mổ
và các vật dụng liên quan sau mỗi buổi chợ.
- Quét dọn và xử lý
chất thải rắn trong chợ bằng biện pháp chôn hoặc đốt.
-
Hàng tuần thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chợ buôn
bán, tập kết, thu gom động vật, sản phẩm động vật và khu vực xung quanh.
5. Khu vực cửa khẩu, khu dân cư giáp đường biên giới
- Lựa chọn, bố trí địa điểm sát trùng
phương tiện qua lại khu vực biên giới (bằng biện pháp trải bạt, bao tải gai ở
mặt đường và rải rơm, cỏ khô lên trên, sau đó phun hóa chất khử trùng, hoặc có hố
sát trùng) trên các tuyến đường giao thông chính qua khu vực biên giới để khử
trùng bánh xe ô tô, xe gắn máy, xe đạp và giầy dép của người qua lại.
- Đối với đường mòn, lối mở thường xuyên
có người qua lại biên giới, xác định tuyến đường mòn trung tâm và vị trí phù
hợp để tổ chức rắc vôi bột phủ kín trên một đoạn dài hơn một vòng bánh xe.
- Thường xuyên vệ sinh, quét dọn nơi công
cộng và định kỳ tổ chức phun tiêu độc, khử trùng.
- Tổ chức phun tiêu độc, khử trùng tất cả
các phương tiện đi qua cửa khẩu.
6. Khu vực tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật
Quét
dọn, thu gom phân, rác thải để xử lý chôn hoặc đốt; sau đó phun thuốc khử trùng
khu vực nhốt, giữ, khu vực tiêu hủy ngay sau khi hoàn thành việc tiêu hủy.
7. Phương tiện, dụng cụ chuyên chở động vật, sản phẩm động vật
Vệ sinh sạch sẽ, thu
gom rác thải, phân để chôn hoặc đốt; phun tiêu độc, khử trùng trước và sau mỗi
lần chuyên chở, trước khi ra/vào cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, chợ buôn bán,
điểm tập kết, thu gom, khu vực tiêu hủy gia súc, gia cầm...
III. Cách thức tiến hành
1. Những trang trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ tập
trung, cơ sở ấp trứng gia cầm chủ động tổ chức thực hiện các nội dung trên dưới
sự giám sát của chính quyền cơ sở và chuyên môn thú y.
2. Chủ các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật
chịu trách nhiệm chi trả kinh phí cho đội thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử
trùng cho phương tiện của mình hoặc tự thực hiện dưới sự giám sát của chính
quyền cơ sở và chuyên môn thú y.
3. Chủ phương tiện vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm
động vật trái phép chịu toàn bộ chi phí cho việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng,
tiêu hủy trong quá trình xử lý động vật, sản phẩm động vật. Trường hợp chủ
phương tiện bỏ trốn, các lực lượng chức năng bắt giữ báo cáo chính quyền địa
phương để hỗ trợ lực lượng, kinh phí thực hiện.
4. Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức các đội vệ sinh, huy động
các phương tiện tại chỗ như bình phun động cơ, bình phun tay, phun thuốc sát
trùng cho khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, khu dân cư giáp đường
biên giới, chợ buôn bán gia cầm, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, khu nhốt
giữ động vật, sản phẩm động nhập lậu, kinh phí do ngân sách địa phương cấp.
5. Các lực lượng chức năng khu vực cửa khẩu: Ban Quản lý khu
kinh tế, Biên phòng, Y tế, Thú y, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường tổ chức
tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận tải qua cửa khẩu. Kinh phí do các đơn
vị chi trả theo quy định của Nhà nước.
IV. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với
các Sở, ngành triển khai thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng đợt I năm
2020 trên địa bàn đảm bảo các nội dung, yêu cầu trên. Báo cáo kết quả thực hiện
về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) trước ngày 15/3/2020 để tổng hợp, báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chỉ đạo kiểm tra, xử lý tình trạng mua bán, vận chuyển, giết mổ tiêu thụ động
vật hoang dã trên địa bàn.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo kiểm
tra công tác tổ chức triển khai thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng để
phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chuẩn
bị vật tư, hóa chất và cấp phát để triển khai thực hiện. Tổng hợp, báo cáo kết
quả thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng về Uỷ ban nhân dân tỉnh, Cục
Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định; chỉ đạo Chi cục
Kiểm lâm tăng cường kiểm tra việc mua bán, vận chuyển, giết mổ tiêu thụ động
vật hoang dã, kể cả tại các nhà hàng, khách sạn, xử lý vi phạm và tiến hành
hành vệ sinh, khử trùng tiêu độc triệt để khu vực nuôi nhốt động vật hoang dã
theo quy định.
3. Sở Y tế: Chỉ đạo công tác tổ chức triển khai thực hiện vệ
sinh tiêu độc, khử trùng môi trường; chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tỉnh, Trung
tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế Lào Cai tổ chức khử trùng tiêu độc tại các khu vực
cửa khẩu, lối mở...; các cơ sở y tế tăng cường giám sát dịch bệnh từ động vật
lây sang người; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất phối hợp với các địa phương
triển khai thực hiện.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình
tỉnh, Báo Lào Cai tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân trong tỉnh nhận thức đầy
đủ về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; đặc biệt là nội dung,
yêu cầu của tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng đợt I năm 2020.
4. Sở Tài chính cấp kinh
phí mua vật tư, hóa chất theo kế hoạch Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt, đáp ứng
nhu cầu phòng, phòng chống dịch bệnh theo quy định./.
CTTĐT