Đoàn rước lễ tế tại Lễ hội xuống đồng ở xã Phú Nhuận.
Bà Lê Hải Thanh, Trưởng phòng Văn hóa huyện cho
biết: Hiện toàn huyện có 6 di tích, 10 lễ hội truyền thống. Các lễ hội là những
hoạt động văn hóa, tín ngưỡng nêu cao tinh thần thượng võ dân tộc, mang giá trị
văn hóa tâm linh. Thời gian qua, công tác quản lý, tổ chức lễ hội, nhất là lễ
hội mùa xuân ở các địa phương trong huyện đã có những chuyển biến tích cực. Quy
mô và hình thức tổ chức lễ hội đã cơ bản phù hợp với đặc điểm của từng địa
phương, cộng đồng dân cư, nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Phần lễ được duy trì
theo nghi thức truyền thống, phần hội được bổ sung các hoạt động văn hóa, văn
nghệ, thể thao, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của nhân dân. Kết cấu hạ
tầng các di tích, điểm tổ chức lễ hội đã và đang tiếp tục được đầu tư, từng
bước đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân và du khách.
Màn xòe duyên dáng, điêu nghệ đã thu hút được nhiều người cùng tham gia
Nổi
bật như Lễ hội xuống đồng ở xã Phú Nhuận thường được tổ chức vào dịp đầu Xuân,
mở đầu một năm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no hạnh
phúc... Mở đầu là phần lễ được bắt đầu từ tục rước đất, rước nước. Đoàn rước
bao giờ cũng đi từ rất sớm khi trời còn chưa rõ mặt người. Trong đoàn gồm có:
Thầy cúng, đội trống, chiêng, có các đôi nam nữ chưa vợ chưa chồng khiêng rước
lễ và các đại biểu đại diện cho tỉnh, huyện, chính quyền địa phương. Kiệu rước
được trang trí sặc sỡ nhiều mầu theo biểu tượng âm dương ngũ hành. Đi đầu đoàn
rước là thầy cúng, người được dân bản giao trách nhiệm là sứ giả để giao tiếp
với thần linh, trên tay thầy cầm cây nêu biểu tượng của sự sinh sôi, nảy nở. Đi
sau là kiệu rước lễ vật gồm có: thủ lợn, gà luộc, sôi bảy mầu, hoa quả, bánh
trưng.... là lễ chiêu đãi các thần linh, để các vị thần linh thưởng thức tiệc
lấy sức chiến đấu với ma quỷ bảo vệ sự bình yên cho làng bản. Kiệu rước lễ biểu
tượng của sự linh thiêng trong tâm linh của người dân đi dạ hội. Đội chiêng
trống đi hai bên thầy cúng nổi chiêng trống để thầy cúng giao linh với thần
linh.
Sau
phần lễ, phần hội được bắt đầu bằng các điệu múa và các tiết mục văn nghệ dân
gian đặc sắc của người Tày, người Dao, các dân tộc khác trên địa bàn xã. Nhưng
nổi bật nhất, vui nhất, nhiều người tham gia nhất là những màn xòe, khi tiếng
nhạc, chiêng, trống vang lên các cô gái Tày mở đầu màn xòe với những động tác
xòe duyên dáng, điêu nghệ mời mọi người tham gia, vòng xòe cứ rộng mãi đi đều
trong tiếng nhạc, tiếng trống, tiếng chiêng dập dìu những bàn chân xinh sắn. Khi
các màn xòe kết thúc mọi người lại đổ tới khu chơi trò chơi. Các trò chơi ở đây
đa số là trò chơi dân gian. Đầu tiên là trò chơi ném còn, hai đôi nam thanh nữ
tú được vinh dự ném quả còn đầu tiên, sau đó tất cả mọi người đều được tham
gia. Trò chơi ném còn được tiếp tục cho đến khi quả còn được ai đó ném qua
vòng. Tiếp theo là các trò chơi như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, thi cày, cơm lam,
bịt mắt bắt dê...
Hội thi hái chè trong khuân khổ Lễ hội xuống đồng
Tại Lễ
hội xuống đồng năm nay ở xã Phú Nhuận còn diễn ra hội thi hái chè giữa 4 thôn
trong xã gồm: Nhuần 1, Nhuần 4, Nhuần 5 và thôn Khe Hoi. Họ đa phần là nông dân đã quen thuộc với
công việc này. Tuy nhiên, khi bước vào cuộc thi, vẫn có chút hồi hộp. Đây là
dịp để quảng cáo các sản phẩm chè của xã Phú Nhuận với du khách đến tham
gia lễ hội đầu xuân.
Ấn
tượng sâu sắc là Lễ hội Tiếng hát qua làng của đồng bào Dao Tuyển ở thôn Cầu Xum,
xã Bản Phiệt, đã thể hiện được nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây. Từ xa xưa vùng đất sinh sống của người Dao Tuyển trên núi
cao không có chợ nên bà con đã có phong tục Tết đến thường mở Lễ hội hát đối đáp giữa khách với chủ nhà. Sau này gọi là
Lễ hội Tiếng hát qua làng ngày xuân để mời làng bản quanh vùng tới thi hát để
cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình bình an, hạnh phúc. Đây cũng là dịp gặp gỡ của những người bạn tâm giao ở xa nhau nhưng thân
thiết với nhau sau khi đi dự Lễ hội Tiếng hát qua làng năm trước. Đặc biệt hơn
qua những đêm ngày thi hát giao duyên đầu Xuân đã có những cặp trai gái
thành duyên vợ chồng. Bên
cạnh những nghi lễ được khôi phục, các hoạt động văn hóa, thể thao cũng được tổ
chức trọng thể, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân địa phương.
Dân làng và du khách gần xa cùng kéo về xem lễ hội
Để
phát huy được giá trị đích thực của các lễ hội, huyện Bảo Thắng đã chú trọng công
tác tuyên truyền cho người dân nhận thức đúng đắn mục đích của các lễ hội, nhằm
phát huy giá trị văn hoá, tôn vinh và nhớ ơn công đức các danh nhân; giáo dục
truyền thống lịch sử, góp phần xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở đậm đà bản sắc
dân tộc và sắc thái địa phương. Có thể nói, mùa lễ hội 2019 trên địa bàn huyện
Bảo Thắng đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều giá trị văn hóa truyền thống
được khôi phục và phát triển, đem đến món ăn tinh thần hấp dẫn cho nhân dân địa
phương và du khách.
Duy Trinh