Lào Cai: Đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ
Lãnh đạo tỉnh Lào Cai tặng hoa chúc mừng các nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý
nhân dịp Ngày quốc tế Phụ nữ năm 2021
Góp phần nâng cao vai
trò, vị thế của phụ nữ
Trên
cơ sở hệ thống pháp luật và các chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về
bình đẳng giới, Lào Cai đã nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả Luật
Bình đẳng giới, Nghị quyết 11-NQ/TW, Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị và
các chương trình, đề án, chiến lược, chính sách về bình đẳng giới, vì sự tiến
bộ của phụ nữ. Tỉnh chủ động ban hành kế hoạch thực hiện trong các giai đoạn từ
2011-2020 và giai đoạn 2021-2030; thực hiện lồng ghép bình đẳng giới trong
nhiều lĩnh vực và vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của
tỉnh. Theo đó, các sở, ban, ngành đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố
và Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện đã phát huy vai trò, trách
nhiệm tổ chức thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ,
chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác bình đẳng giới và công tác vì sự
tiến bộ của phụ nữ theo giai đoạn và hằng năm với các mục tiêu, hoạt động cụ
thể.
Theo
Sở Lao động – TBXH tỉnh (Cơ quan thường trực Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ
tỉnh), từ năm 2007 đến nay, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách
để đảm bảo quyền lợi của nhân dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế như phụ
nữ, trẻ em, người khuyết tật, đặc biệt là đối với người dân thuộc hộ nghèo, ở
vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trên nguyên tắc bình đẳng
giới như: Nghị quyết về chính sách hỗ trợ dinh dưỡng cho người nghèo tỉnh Lào
Cai mắc bệnh phải điều trị nội trú và phụ nữ sinh con tại các cơ sở khám chữa
bệnh công lập; Nghị quyết về ban hành Quy định chính sách hỗ trợ cán bộ, công
chức, viên chức nghỉ công tác theo nguyện vọng để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ
máy, tinh giản biên chế trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2019-2020; Quyết
định ban hành Quy chế phối hợp tiếp nhận và hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho
phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về trên địa bàn tỉnh Lào Cai…
Cùng
với đó, hình thức truyền thông cũng được đổi mới. Các ngành, địa phương tích
cực tuyên truyền thực hiện pháp luật về bình đẳng giới lồng ghép với thực hiện
Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em, Luật phòng chống mua bán người,
huy động sự tham gia tích cực của nam giới và giới trẻ. Với nhiều giải pháp
linh hoạt, công tác bình đẳng giới đạt được kết quả tích cực, tạo sự chuyển
biến rõ nét.
Trong
lĩnh vực chính trị, Lào Cai đã thực hiện tốt việc bố trí sử dụng cán bộ như bổ
nhiệm, luân chuyển, giới thiệu ứng cử cán bộ nói chung, trong đó đặc biệt quan
tâm đối với đội ngũ cán bộ nữ phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường nhằm
xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý. Tỷ
lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo chủ chốt các cấp của tỉnh tăng cao hơn các
nhiệm kỳ trước. Nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy: Cấp tỉnh
đạt 14%; cấp huyện đạt 18,93%; cấp xã đạt 26,54%. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các
cấp nhiệm kỳ 2021-2026: cấp tỉnh đạt 40,91%, cấp huyện 34,05%, cấp xã 36,39%.
Đội ngũ cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành, đoàn thể
cấp tỉnh hiện đạt 21,76%; đối với cấp huyện là 13,3%; cấp xã đạt 19,37%.
Đồng
chí Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động – TBXH tỉnh cho biết: “trong những
năm vừa qua, phụ nữ Lào Cai được đào tạo nghề, nâng cao trình độ chuyên môn,
chính trị, dịch chuyển cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các khu vực công
nghiệp, tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội ngày càng tăng. Chính sách đối
với nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và phụ nữ yếu thế được thực
hiện nghiêm túc, đầy đủ; đến nay tỷ lệ lao động nữ được tạo việc làm mới hàng
năm đều đạt và vượt kế hoạch trên 50% (năm sau tăng bình quân 2 - 4% so với
cùng kỳ năm trước); tỷ lệ lao động nữ đang làm việc trong nền kinh tế đã qua
đào tạo đạt 14,16%, tỷ lệ lao động nữ được đào tạo chuyên môn kỹ thuật đạt
78,34%. Thực hiện Đề án 295 “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, giới thiệu việc làm”, tỷ
lệ nữ tham gia học nghề đều đạt và vượt chỉ tiêu 40% trên tổng số tuyển sinh,
tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt trên 75%. Triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi
nghiệp giai đoạn 2017- 2025”, toàn tỉnh đã thành lập 09 tổ hợp tác, 66 tổ liên
kết sản xuất kinh doanh, 12 nhóm cùng sở thích, 5 câu lạc bộ phụ nữ khởi
nghiệp, 09 hợp tác xã; tổ chức 34 lớp dạy nghề (trồng rau an toàn, trồng cây ăn
quả, chế biến thực phẩm, du lịch; thêu dệt thổ cẩm...) cho hơn 2.400 hội viên
phụ nữ. Đồng thời, chị em phụ nữ trong
toàn tỉnh luôn đóng góp tích cực trong nghiên cứu khoa học và sáng kiến; trong
1 năm qua đã có hơn 600 lượt chị em được công nhận sáng kiến cấp tỉnh; 48 lượt
phụ nữ (8 lượt tiến sỹ, 19 thạc sỹ, 21 đại học) làm chủ nhiệm các đề tài cấp
tỉnh, cấp bộ và đã được tôn vinh, được nhận các giải thưởng của tỉnh và Trung
ương.”
Bên
cạnh đó, trong lĩnh vực gia đình, toàn tỉnh đẩy mạnh các hoạt động truyền thông
về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, tích cực xây dựng nếp sống
văn minh trong việc cưới, việc tang, cải tạo phong tục tập quán lạc hậu trong
gia đình, phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tuyên truyền giáo
dục đạo đức, lối sống trong gia đình, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, góp
phần giảm thiểu bạo lực gia đình. Đến hết năm 2021, số hộ gia đình văn hóa trên
địa bàn toàn tỉnh đã tăng lên 150.944/172.223 hộ (đạt 87,6%) tăng 68.452 hộ so
với năm 2008; 1.422/1.565 làng, bản tổ dân phố văn hóa (đạt 90,9%). Đồng thời các
cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông,
hội thảo, chỉ đạo thành lập nhiều mô hình mới tại các huyện, thị xã, thành phố
như: Mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”; “Tổ phụ nữ tự quản đường biên,
mốc giới”; “Thôn, bản không có phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương”; “Tổ phụ nữ không
có con tảo hôn” nhằm hỗ trợ phụ nữ bị mua bán trở về và ngăn chặn hiện tượng
phụ nữ bỏ đia khỏi địa phương.
Các
hoạt động phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ cho nạn nhân,
giải quyết các vụ bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh
được triển khai có hiệu quả. Trong thời gian qua, tỉnh đã xây dựng và nhân rộng
132 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình với 460 câu lạc bộ và nhóm phòng,
chống bạo lực gia đình tại 40 xã, phường, thị trấn và 400 thôn, bản, tổ dân
phố; tuyên truyền trên cụm loa truyền thanh, sinh hoạt thôn, bản về nội dung
giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, trong đó đặc biệt chú trọng tuyên
truyền nội dung bình đẳng giới và Luật Bình đẳng giới. Tổ chức trên 400 buổi
tọa đàm, gặp mặt nữ lãnh đạo các cấp; phụ nữ tiêu biểu; người có uy tín trong
xã hội với trên 22.000 lượt người tham gia, trong đó có lồng ghép tuyên truyền
về Luật Bình đẳng giới. Phát huy mô hình phát triển dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về
bình đẳng giới tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh và duy trì, kết nối với hệ
thống 9/9 huyện, thị xã, thành phố và các trường học và bệnh viện nhằm phát
hiện, tư vấn, trợ giúp kịp thời nạn nhân bị bạo lưc trên cơ sở giới…

Hội LHPN tỉnh
truyền thông về BĐG tại xã Liên Minh (Sa Pa)
Tiếp
tục những nỗ lực mới vì xã hội bình đẳng, tiến bộ
Sau 15 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, Lào Cai đã đạt được kết
quả tích cực, tạo chuyển biến rõ nét trong hành động, nhận thức về bình đẳng
giới, góp phần rút ngắn khoảng cách giới trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong
quá trình triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới ở Lào Cai cũng còn một số
vướng mắc, khó khăn; đó là, các quy định trong Luật Bình đẳng giới còn chung
chung (đơn cử, tại khoản 3, Điều 10, Luật Bình đẳng giới quy định bạo lực giới
là hành vi bị nghiêm cấm nhưng hiện nay chưa có định nghĩa hoặc mô tả cụ thể
hành vi nào là hành vi bạo lực trên cơ sở giới; tại khoản 4, Điều 10, cũng chỉ
quy định chung chung gây khó khăn trong việc xác định các hành vi vi phạm trong
lĩnh vực bình đẳng giới) dẫn chiếu đến các văn bản pháp luật khác (hành chính,
dân sự, hình sự), đặc biệt là xử lý kỷ luật, bồi thường thiệt hại. Vì vậy, giữa
Luật Bình đẳng giới và các luật chuyên ngành khác còn thiếu đồng bộ, hạn chế
khả năng thực thi và hiệu quả áp dụng của Luật Bình đẳng giới trong thực tế. Một
số quy định của Luật còn khó triển khai trên thực tế như quy định “các doanh
nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định
của pháp luật” (điểm a, khoản 2, Điều 12), do quy trình, thủ tục để hưởng các
chính sách ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp khá phức tạp, số tiền được giảm
thuế chưa bù đắp được các chi phí khi áp dụng các ưu đãi dành cho lao động nữ,
vì vậy các doanh nghiệp thường ngại hoặc không muốn tiếp cận với chính sách ưu
đãi này...
Bước
sang giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu tổng quát “Tiếp tục thu hẹp
khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ
hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát
triển bền vững của đất nước”. Do đó, để
thực hiện được mục tiêu này, theo Sở Lao động – TBXH tỉnh, bên cạnh việc cần rà
soát hệ thống pháp luật thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội để sửa đổi, bổ
sung đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Bình đẳng giới và các luật, bộ
luật khác; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật và chính sách
gây bất lợi đối với phụ nữ trong các lĩnh vực; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình
đẳng giới trong xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật; khắc phục
những khoảng trống, quy định chung chung mang tính định hướng; cần tiếp tục
tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm quản lý của
chính quyền các cấp trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và
hoàn thiện thể chế về bình đẳng giới. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người
đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới.
Đẩy
mạnh sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới với các sở,
ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các
cấp để triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ một cách đồng bộ, hiệu quả. Thực hiện
lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng các chương trình, đề án
phát triển phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của các sở, ngành, địa
phương. Lồng ghép các chỉ tiêu của Kế hoạch với các chính sách, chương trình,
đề án, dự án khác đang triển khai trên địa bàn để tận dụng các nguồn lực sẵn
có, tối đa hóa kết quả, hiệu quả. Xây dựng mới và duy trì triển khai các
chương trình, dự án, đề án, mô hình về bình đẳng giới phù hợp với điều kiện của
địa phương như: thực hiện thí điểm việc đưa nội dung về giới, bình đẳng giới vào
hệ thống bài giảng ở cấp bậc học phù hợp, đồng thời xây dựng lộ trình nâng
cao năng lực cho giáo viên về giảng dạy các nội dung bình đẳng giới; nghiên
cứu, xây dựng các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc
thiểu số (thay đổi hương ước, quy ước, tập quán có nhiều định kiến giới); mô
hình nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới; mô hình nhóm phụ nữ tự lực
nhằm khuyến khích phụ nữ tìm đến sự hỗ trợ khi bị bạo lực
Hơn nữa, ngoài những nỗ lực quyết
liệt của các cấp chính quyền, các ngành, các địa phương trong tỉnh, cùng sự bảo
vệ của hệ thống pháp luật, để có thể đi đến giải quyết các vấn đề do bất bình
đẳng giới gây ra rất cần sự thay đổi trong quan điểm, nhận thức của mỗi người
dân trong tỉnh trong vấn đề bình đẳng giữa nam và nữ. Do đó, rất cần có sự
chung tay của mỗi người dân cùng phối hợp với chính quyền cùng hoàn thành các
mục tiêu về bình đẳn giới đã đề ra nhằm xây dựng một xã hội mà nam giới, nữ
giới, trẻ em trai và trẻ em gái đều được hưởng cuộc sống bình đẳng, an toàn,
phát triển toàn diện và bền vững./.