Người dân Gia Phú vẫn tự hào gọi khu nhà ở này tại thôn Bản Bay là “khách sạn” Bản Bay. Khu nhà có khuôn viên hiện đại vào thời bấy giờ, diện tích sử dụng lên tới hàng chục ha; toàn khu có 3 dãy nhà 3 tầng, hơn 20 dãy nhà xây cấp 4, có cả căng tin, thư viện, hội trường, sàn nhảy, sân chơi thể thao… Quang cảnh của khu này rất đẹp khi có suối Ngòi Bo chảy quanh. Đây cũng là nơi người dân Gia Phú lần đầu tiên được xem ti vi do các chuyên gia Liên Xô mang sang. Những ngày diễn ra World Cup năm 1982, 1986, bà con háo hức kéo nhau đến chật sân hội trường xem bóng đá qua ti vi, không khí vô cùng sôi động… Đến năm 1991, Liên Xô tan rã, các chuyên gia rút về nước, sau này “khách sạn” Bản Bay dần hoang phế.
Tò mò, tôi men theo con đường mòn rậm rạp cỏ gianh tìm lại dấu vết xưa của “khách sạn” Bản Bay. Những con đường bê tông nay đã bị vùi lấp hết, những ngôi nhà xây 3 tầng, nhà xây cấp 4 giờ chỉ còn lại những bức tường loang lổ, rêu phong, cửa gỗ cũng đã mục nát. Ở gần hội trường cũ của “khách sạn” Bản Bay vẫn còn một gốc cổ thụ, thân cây xù xì rêu mốc. Xung quanh là nhà ở của một số hộ dân với vườn cây, ao cá. Cũng tại đây, tôi tình cờ gặp anh Đặng Xuân Phương, Chủ nhiệm Nhà khách Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam. Hằng ngày, anh Phương vẫn vào đây trông coi, quản lý khu vực này. Theo lời anh Phương thì dự kiến thời gian tới, nơi đây sẽ được quy hoạch lại, xây dựng thành khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái của Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam.
Bình minh nông thôn mới
“Khách sạn” Bản Bay là chuyện của một thời đã xa, chuyện của tương lai thì chưa tới, giờ đây, cuộc sống của nhân dân xã Gia Phú bên dòng Ngòi Bo cũng có nhiều điều đáng nói. Trong đó, niềm vui lớn nhất chính là Tỉnh lộ 152 men theo dòng Ngòi Bo từ xã Gia Phú ngược lên xã Thanh Phú, huyện Sa Pa mới được mở đã mở ra triển vọng phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn. Riêng Bản Bay được xã Gia Phú chọn làm thôn hoàn thành nông thôn mới trong năm 2017.
Ông Nguyễn Quốc Thắng, Bí thư Chi bộ thôn Bản Bay cho biết, ngay từ khi giải phóng mặt bằng xây dựng tuyến Tỉnh lộ 152, người dân đã nhiệt tình hưởng ứng bằng việc tình nguyện phá 50 m tường xây, tháo dỡ 60 m2 chái nhà, hiến trên 500 m2 đất làm đường. Hiện Bản Bay có đường liên thôn, 100% đường liên gia được bê tông hóa; nhà văn hóa đang được cải tạo khang trang với kinh phí trên 140 triệu đồng do nhân dân ủng hộ. Bản Bay có 131 hộ dân, trong đó khoảng 50 hộ khá, giàu, chỉ còn 10 hộ nghèo. Nhiều hộ dân có thu nhập cao nhờ kinh doanh dịch vụ, chăn nuôi, trồng rau màu… Điển hình như gia đình cựu chiến binh Đỗ Thế Thắng phát triển mô hình nuôi lợn thịt; gia đình chị Nguyễn Thị Bích Phượng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh vật liệu xây dựng; gia đình anh Đỗ Trọng Long với vườn hoa, cây cảnh có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm… Bản Bay bây giờ có nhiều nhà xây hai tầng, ba tầng, thậm chí cả biệt thự to, đẹp.
Trò chuyện với chúng tôi về những đổi thay bên dòng Ngòi Bo, bà Phạm Thị Nhật, Bí thư Đảng ủy xã Gia Phú chia sẻ: Gia Phú không chỉ có suối Ngòi Bo phong cảnh hữu tình mà còn có Khu căn cứ cách mạng Soi Cờ - Soi Giá; Đền Ngòi Bo ở thôn Thái Bo từ thời Pháp thuộc, cũng mới được xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Dọc theo suối Ngòi Bo, các thôn Phú Xuân, Bến Đền, Bến Phà có nhiều hộ kinh doanh dịch vụ; các thôn Bản Bay, Xuân Tư, Thái Bo, Giao Ngay, Giao Tiến… có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, đặc biệt, có hợp tác xã sản xuất rau an toàn thu hút 185 hộ dân tham gia, với tổng diện tích 51,6 ha rau an toàn. Trong thời gian tới, Gia Phú sẽ phát huy các thế mạnh, tích cực xây dựng nông thôn mới để cuộc sống nhân dân các dân tộc bên dòng Ngòi Bo ngày càng no ấm.
Theo LCĐT